Bạn là người mới chơi máy ảnh nhưng yêu thích thể loại chụp ảnh chân dung. Bạn cảm thấy nản lòng khi chụp mãi cũng không có tấm ảnh nào ra hồn và bạn thường đổ lỗi cho máy ảnh chất lượng chưa tốt. Tuy nhiên, bạn quên mất một điều rằng, để tạo ra những bức ảnh chân dung đẹp bên cạnh việc hỗ trợ của thiết bị hiện đại thì điều quan trọng nhất là bạn cần phải có kỹ năng và làm chủ được kỹ năng đó. Chính vì thế, một vài mẹo chụp ảnh chân dung đẹp dành cho người mới chơi máy ảnh dưới đây sẽ giúp bạn trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi hơn.
1 Lựa chọn thiết bị thích hợp
Trong chụp ảnh chân dung, thiết bị đóng vai trò khá quan trọng. Vì theo các chuyên gia nhiếp ảnh, ống kính chiếm đến 60% chất lượng của một tấm hình chân dung đẹp, 25% thuộc về máy ảnh và 15% là các yếu tố phụ trợ khác.
Hơn nữa, hầu hết các bức ảnh chân dung hiện nay đều được chụp theo kiểu xóa phông nền.Một phần vì để tạo hiệu ứng lung linh cho phần hậu cảnh phía sau, phần khác là để dễ dàng cô lập chủ thể ra khỏi những vật thể không mong muốn khác trong khung hình.
Do đó, chúng ta cần một ống kính có độ mở tối đa phải từ f/2.8 trở lên và tiêu cự nằm trong khoảng 50mm đến 85mm. Và đây là một số ống kính chuyên dùng cho việc chụp ảnh chân dung: ống kính Canon EF-S18-55MM F/3.5-5.6 IS STM; ống kính Nikon AF-P DX NIKKOR 70-300MM F/4.5-6.3G ED VR; ống kính SIGMA 17-50MM F/2.8 EX DC OS HSM FOR NIKON,…
Đối với máy ảnh thì bạn nên chọn những máy có khả năng khử noise, chụp liên tiếp và khả năng lấy nét nhanh và có khả năng cân bằng trắng. Trên thực tế, với dòng chụp ảnh chân dung thì 2 nhãn hiệu máy ảnh Nikon với Canon được đánh giá cao nhất.
2 Mẹo chụp ảnh chân dung đẹp
Sau đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn có những shot hình chân dung đẹp lung linh dù bạn chỉ là người mới bắt đầu chơi máy ảnh:
Diễn đạt cảm xúc
Để tạo ra một bức ảnh chân dung đẹp, điều quan trọng nhất không phải là địa điểm chụp diễn ra ở đâu mà chính là cảm xúc trên gương mặt của đối tượng được chụp ảnh. Một gương mặt thể hiện cảm xúc chân thực nhất sẽ dễ dàng kết nối được với người xem hơn thay vì một nụ cười gượng.
Để kết nối chủ đề với camera, cách duy nhất để làm điều này là làm cho đối tượng cảm thấy thoải mái. Chính vì thế, trước khi chụp hình, bạn hãy uống trà, cà phê hoặc trò chuyện để họ cảm thấy thoải mái. Khi bắt đầu chụp, hãy đưa ra một số đề nghị về dáng đứng, biểu cảm cho họ vì điều này có thể giúp xây dựng sự tự tin.
Sáng tạo trong cách bố trí
Muốn tạo ra một bức ảnh đẹp, bạn cũng cần đầu tư suy nghĩ về các bố cục như dáng đứng, phông nền, khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt. Có một quy tắc quan trọng bạn cần chú ý khi chụp ảnh chân dung là quy tắc 1/3.
Trong một bức ảnh, ánh mắt dễ bị thu hút nhất ở 4 điểm khác nhau. Đó là 4 điểm nối của những đường kẻ chia bức ảnh làm 9 phần. Đặt đối tượng vào 4 điểm này trong khung hình tự nhiên sẽ thu hút sự chú ý của người xem.
Điều chỉnh chế độ bù trừ phơi sáng thích hợp
Khi chụp ảnh chân dung, tông màu da sáng có thể dễ dàng đánh lừa máy ảnh khi chụp ở chế độ tối. Bạn sẽ nhận thấy điều này nhiều hơn khi chụp cả khuôn mặt hoặc khi có rất nhiều màu trắng trong bức hình. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần phải điều chỉnh chế độ phơi sáng của máy ảnh mình. Để làm cho hình ảnh sáng hơn, di chuyển con trỏ sang phía bên phải và để làm cho hình ảnh tối hơn, di chuyển con trỏ sang phía bên trái.
Cài đặt tốc độ cửa trập
Một điều quan trọng khi cài đặt tốc độ cửa trập là bạn cần chú ý đến độ dài tiêu cự của ống kính và độ rung máy ảnh. Các tiêu cự càng dài sẽ càng làm tăng thêm độ rung lắc của máy ảnh, do đó bạn phải chọn một tốc độ màn trập nhanh hơn.
Nguyên tắc chung khi chụp ảnh chân dung là đảm bảo tốc độ màn trập cao hơn tiêu cự. Tuy nhiên, nếu đối tượng của bạn di chuyển quá nhanh, tốc độ màn trập tỏ ra không hiệu quả, bạn sẽ cần dùng đến hệ thống chống rung của máy ảnh.
Không phải mọi ống kính đều có tính năng công nghệ này, nhưng nếu bạn có nó – hãy biết tận dụng. Bạn sẽ có thể chụp tốc độ màn trập thấp hơn nhiều và vẫn có thể chụp được những bức ảnh sắc nét.
Tăng ISO
Để tránh tình trạng ảnh mờ khi đối tượng di chuyển hay nháy mắt khi đang chụp, bạn cần sử dụng tốc độ màn trập nhanh. Điều này cũng sẽ giúp đảm bảo chụp ảnh sắc nét và tránh lắc máy vì hậu như bạn đều chụp ảnh chân dung bằng tay.
Trong chế độ Ưu tiên khẩu độ và duy trì khẩu độ rộng, để tăng tốc độ màn trập chỉ cần tăng ISO (từ ISO 100 lên ISO 400). Trong điều kiện ánh sáng thấp, bạn có thể cần phải tăng nó lên đến ISO 1.600, ISO 3.200 hoặc thậm chí là ISO 6.400. Xuất hiện một số hạt bụi nhỏ còn tốt hơn so với một bức ảnh mờ, chất lượng thấp.
Sử dụng đèn flash khi chụp ảnh dưới trời nắng
Khi bạn chụp ảnh dưới ánh nắng gay gắt, bóng sẽ đổ mạnh trên vật. Chính vì thế, bạn cần phải dùng đèn flash để xử lý những vùng ánh sáng không đồng đều.
Sử dụng tấm phản quang
Sử dụng tấm phản quang không chỉ là cách để làm sáng bức chân dung một cách nhanh chóng và hiệu quả mà còn tạo ra cái nhìn chuyên nghiệp hơn.
Nếu bạn đang chụp ảnh trong staudio, bạn có thể kết hợp ánh sáng trong phòng chụp với tấm phản quang để chiếu sáng người mẫu. Mục đích là để tăng sáng cho một bên bề mặt và giúp các nét có chiều sâu. Còn nếu bạn đang chụp ảnh ở một nơi nhiều ánh sáng tự nhiên, bóng tối có thể gây trở ngại lớn. Khi đó, bạn đặt tấm phản quang ở bên kia đối tượng để tạo hiệu ứng sáng tối.
Trên đây là một số mẹo chụp ảnh chân dung mà chúng tôi muốn chia sẻ đối với những người đam mêm chụp ảnh chân dung nhưng không qua trường lớp đào tạo nào. Hy vọng thông qua bài viết này bạn sẽ tích lũy được một vài kỹ năng chụp ảnh cho riêng mình và tạo ra những bức ảnh chân dung đẹp cho người thân, gia đình và bạn bè của mình.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Kiến thức nhiếp ảnh23 Tháng mười hai, 2024Icelandic Paintings: Aerial Photos by Brynjar Agustsson
- Kiến thức nhiếp ảnh23 Tháng mười hai, 2024TỔNG KẾT WORKSHOP THỬ THÁCH ÁNH SÁNG TRONG NHIẾP ẢNH CỔ PHỤC HÀ NỘI
- Kiến thức nhiếp ảnh20 Tháng mười hai, 2024Đánh giá ống kính Viltrox 135mm f/1.8 AF
- Kiến thức nhiếp ảnh18 Tháng mười hai, 2024Nature Photographer Of The Year 2024 – Ngoạn Mục Và Bi Tráng